Kinh tế của Việt Nam sẽ tăng trưởng thuận lợi

Kinh tế của Việt Nam sẽ tăng trưởng thuận lợi

Mặc dù trong báo cáo mới đây của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), nhóm ASEAN-5 trong đó có Việt Nam tiếp tục bị hạ dự báo tăng trưởng. Tuy nhiên, theo nhận định của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, kinh tế Việt Nam trong năm nay sẽ có những tăng trưởng thuận lợi hơn nhờ yếu tố bên trong.

 

kinh tế việt nam

 

Thận trọng tăng trưởng

 

        Dự báo trong năm 2015, tăng trưởng kinh tế của nhóm ASEAN-5 gồm các quốc gia Đông Nam Á: Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Philippines và Việt Nam bị hạ dự báo tăng trưởng. Trong đó, Việt Nam dự báo chỉ đạt mức 5,2%; giảm 0,2 điểm phần trăm so với các dự báo trước đó.

        Đến năm 2016, IMF dự báo, tăng trưởng kinh tế của nhóm sẽ phục hồi hơn so với năm 2015 và đạt mức 5,3%; tuy nhiên vẫn giảm 0,1 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng 10. Nguyên nhân của việc hạ dự báo là do những biến động của kinh tế toàn cầu, đặc biệt là giá dầu giảm mạnh trong thời gian gần đây.

 

         Theo các chuyên gia IMF, việc hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu xuất phát từ thực trạng hoạt động kinh tế yếu kém trong năm qua, đặc biệt ở Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và Nhật Bản, mà nguyên nhân chủ yếu là do hoạt động đầu tư và thương mại sụt giảm, giá hàng hóa đi xuống. Các chuyên gia lo ngại tốc độ tăng trưởng chậm của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ tác động tiêu cực đến các quốc gia châu Á khác, khiến triển vọng kinh tế của khu vực này cũng không mấy sáng sủa.

 

        Tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2014 ước tính tăng 5,98% so với năm 2013. Mức tăng trưởng năm nay cao hơn mức tăng 5,25% của năm 2012 và mức tăng 5,42% của năm 2013 cho thấy dấu hiệu tích cực của nền kinh tế. Tuy nhiên, có khá nhiều cái nhìn khá lạc quan, khi các chuyên gia kinh tế cho rằng, tăng trưởng kinh tế năm 2014 của Việt Nam còn có thể cao hơn mục tiêu đề ra (5,8%). Trên thực tế, đây cũng là nhận định được nhiều chuyên gia kinh tế đồng tình, sau khi tăng trưởng GDP quý III/2014 bất ngờ đạt mức 6,19%, nâng tăng trưởng GDP của cả 3 quý lên 5,62%. Và đây là một trong những dấu hiệu rõ nét nhất của sự đi lên của nền kinh tế.

 

        Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cho rằng nền kinh tế có dấu hiệu ấm lên song sự phục hồi còn rất mong manh nên Việt Nam cần duy trì con đường tăng trưởng thận trọng. Nếu đuổi theo sự tăng trưởng, Chính phủ sẽ buộc phải gia tăng đầu tư công, hệ lụy là sự gia tăng nợ công, Chính phủ sẽ phải phát hành trái phiếu tài trợ hoạt động đầu tư, dẫn tới chèn lấn tín dụng doanh nghiệp, tăng lãi suất cho vay trong khi tín dụng tăng chậm. Kết quả là lợi nhuận doanh nghiệp giảm.

 

       Theo Tiến sĩ Trần Đình Thiên,Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, sự phục hồi của nền kinh tế Việt Nam còn rất mong manh, chủ yếu vẫn là những đóng góp của các doanh nghiệp FDI. Như vậy có nghĩa khu vực doanh nghiệp nội địa vẫn yếu và điều đó có nghĩa rằng, chúng ta cần tiếp tục có giải pháp để khu vực doanh nghiệp trong nước mạnh hơn. Theo ông, năm 2015 cần đổi mới thể chế, đổi mới mô hình tăng trưởng thì nền kinh tế mới có thể đi lên chứ không thể 30 năm đổi mới vẫn chỉ khai thác tài nguyên, nặng về gia công lắp ráp. Bên cạnh đó, cần có những chính sách khuyến khích doanh nghiệp nội địa phát triển, tăng trưởng chứ không chỉ dựa vào những doanh nghiệp nước ngoài như hiện nay.

 

Tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô

 

       Lãnh đạo của IMF đưa ra khuyến cáo, Việt Nam cần tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, tái cơ cấu nền kinh tế. Cơ quan này cũng cảnh báo, nợ công của Việt Nam đang đáng lo, khu vực ngân hàng cũng cần được tái cơ cấu, sáp nhập để làm sao có hệ thống ngân hàng đủ mạnh, nợ xấu được cải thiện. Có ý kiến cho rằng, Việt Nam cần phải đưa ra quyết định đuổi theo tăng trưởng hay duy trì sự ổn định.

 

       Trong thời gian trước mắt, Chính phủ vẫn ưu tiên tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ tăng trưởng. Nhiều chuyên gia kinh tế đề nghị cần có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận được vốn để đầu tư cho sản xuất – kinh doanh. Trong đó, hệ thống ngân hàng năm 2015 cần đặt mục tiêu là năm phục vụ doanh nghiệp, cải cách cơ bản quan hệ ngân hàng và doanh nghiệp, cho vay theo dự án, nâng cao năng lực hệ thống về thẩm định dự án.

 

kinh tế Việt Nam

 

       Trong năm 2015, Chính phủ đặt mục tiêu: Tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô. Đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và năng lực cạnh tranh, phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao hơn và vững chắc hơn năm 2014.

 

        Với mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 6,2%, theo các chuyên gia kinh tế là có thể đạt được. Bởi trong năm 2015, Chính phủ tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với chính sách tài khoá, kiểm soát tốt lạm phát. Điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến lạm phát. Tăng dư nợ tín dụng phù hợp với yêu cầu tăng trưởng gắn với bảo đảm chất lượng tín dụng. Ổn định tỷ giá, thị trường ngoại hối, tăng dự trữ ngoại tệ và bảo đảm giá trị đồng tiền Việt Nam. Thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển lành mạnh.

 

       Cùng với đó, tăng cường huy động mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển. Đa dạng hóa các kênh huy động vốn, các hình thức đầu tư. Có cơ chế phù hợp để tăng tính thương mại của các dự án, khuyến khích đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài tham gia xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội.

 

       Trong nhóm các giải pháp tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, Chính phủ xác định thực hiện các biện pháp phù hợp để tăng tổng cầu và hỗ trợ phát triển thị trường. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư, tập trung vào các công trình quan trọng, cấp bách. Tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận tín dụng. Tập trung chỉ đạo và có biện pháp cụ thể đối với từng Bộ ngành, địa phương để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh. Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ cơ chế chính sách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, ứng dụng nhanh công nghệ thông tin, tạo thuận lợi tối đa, giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp trong các lĩnh vực thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, đất đai, xây dựng, thành lập, giải thể và phá sản doanh nghiệp… Thực hiện có hiệu quả các chính sách ưu đãi để hỗ trợ sản xuất kinh doanh theo ngành, khuyến khích ứng dụng công nghệ cao, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ…

 

Theo Website BTC

 

thành lập doanh nghiệp

 

Công ty TNHH Tư vấn và Dịch vụ 24h

 

     Chuyên lập báo cáo tài chính, Kế toán thuế trọn gói, Quyết toán thuế, Thành lập doanh nghiệp, Thay đổi đăng ký kinh doanh, Giải thể,  Mua bán, sát nhập công ty Chính xác, Nhanh chóng, Minh bạch.

( Vui lòng nhấc máy gọi cho chúng tôi để tư vấn dịch vụ miễn phí)

Liên hệ Hotline: 0917673366 / 0909 016 286 / 0989 195 703 / 04.66845153

0909.016.286